Thứ Năm, 24 tháng 12, 2009

TÔ MÌ CỦA NGƯỜI LẠ



Tối hôm đó Sue cãi nhau với mẹ, rồi không mang gì theo cô đùng đùng ra khỏi nhà. Trong lúc đang lang thang trên đường, cô mới nhớ ra rằng mình chẳng có đồng bạc nào trong túi, thậm chí không có đủ mấy xu để gọi điện về nhà. Cùng lúc đó cô đi qua một quán mì, mùi thơm bốc lên ngào ngạt làm cô chợt cảm thấy đói ngấu. Cô thèm một tô mì lắm nhưng lại không có tiền! Người bán mì thấy cô đứng tần ngần trước quầy hàng bèn hỏi: "Này cô bé, cô có muốn ăn một tô không?". "Nhưng... nhưng cháu không mang theo tiền..." - cô thẹn thùng trả lời. "Được rồi, tôi sẽ đãi cô - người bán nói - Vào đây, tôi nấu cho cô một tô mì". Mấy phút sau ông chủ quán bưng tới cho cô một tô mì bốc khói. Ngồi ăn được mấy miếng, Sue lại bật khóc. "Có chuyện gì vậy?" - ông ta hỏi. "Không có gì. Tại cháu cảm động quá!" - Sue vừa nói vừa lấy tay quẹt nước mắt.

"Thậm chí một người không quen ngoài đường còn cho cháu một tô mì, còn mẹ cháu, sau khi cháu cự cãi đã đuổi cháu ra khỏi nhà. Chú là người lạ mà còn tỏ ra quan tâm đến cháu, còn mẹ cháu... bả ác độc quá!" - cô bé nói với người bán mì... Nghe Sue nói, ông chủ quán thở dài: "Này cô bé, sao lại nghĩ như vậy? Hãy suy nghĩ lại đi, tôi mới chỉ đãi cô có một tô mì mà cô đã cảm động như vậy, còn mẹ cô đã nuôi cô từ khi cô còn nhỏ xíu, sao cô lại không biết ơn mà lại còn dám cãi lời mẹ nữa?". Sue giật mình ngạc nhiên khi nghe điều đó. "Tại sao mình lại không nghĩ ra nhỉ? Một tô mì của người lạ mà mình cảm thấy mang ơn, còn mẹ mình đã nuôi mình hàng bao năm qua mà thậm chí mình chưa bao giờ tỏ ra quan tâm đến mẹ dù chỉ một chút. Mà chỉ vì một chuyện nhỏ mình lại cự cãi với mẹ? Trên đường về, cô thầm nghĩ trong đầu những điều cô sẽ nói với mẹ: "Mẹ ơi, con xin lỗi. Con biết đó là lỗi của con, xin mẹ tha thứ cho con...". Khi bước lên thềm cửa, cô nhìn thấy mẹ đang mệt mỏi và lo lắng vì đã tìm kiếm cô khắp nơi. Nhìn thấy Sue, mẹ cô mừng rỡ nói: "Sue, vào nhà đi con.
Chắc con đói bụng lắm rồi phải không? Cơm nước mẹ nấu xong nãy giờ rồi, vào mà ăn ngay cho nóng...". Không thể kềm giữ được nữa, Sue òa khóc trong tay mẹ. Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta dễ cảm kích với những hành động nhỏ mà một số người chung quanh làm cho chúng ta, nhưng đối với những người thân thuộc, nhất là cha mẹ, chúng ta lại xem sự hy sinh của họ như chuyện đương nhiên... Tình yêu và sự quan tâm lo lắng của cha mẹ là món quà quý giá nhất mà chúng ta được tặng từ khi mới chào đời. Cha mẹ không mong đợi chúng ta trả công nuôi dưỡng, nhưng... Liệu có bao giờ chúng ta biết quý trọng sự hy sinh vô điều kiện này của cha mẹ chúng ta chưa?

Teddy và cô giáo


daydo.jpgCâu chuyện đã xảy ra từ nhiều năm trước. Lúc đó, cô Thompson đang dạy tai trường tiểu học của một thị trấn nhỏ tại Hoa Kỳ. vào ngày khai giảng năm học mới, cô đứng trước những em học sinh lớp 5, nhìn cả lớp và nói cô sẽ yêu thương tất cả các học sinh như nhau. Nhưng thực ra cô biết mình sẽ không làm được điều đó bởi cô đã nhìn thấy cậu học sinh Teddy Stoddard ngồi lù lù ngay bàn đầu. Năm ngoái cô đã từng biết Teddy và thấy cậu bé chơi không đẹp với bạn bè, quần áo thì lôi thôi lếch thếch, còn người ngợm thì lại quá bẩn thỉu. "Teddy trông thật khó ưa".

Chẳng những thế, cô thompson còn dùng cây bút đỏ vạch một chữ thập rõ đậm vào hồ sơ cá nhân của Teddy và ghi chữ F đỏ chói ngay phía ngoài (chữ F là hạng kém). Ở trường này, vào đầu năm học mỗi giáo viên đều phải xem thành tích học tập của từng học sinh trong lớp mình chủ nhiệm.

Cô Thompson đã nhét hồ sơ cá nhân của Teddy đến cuối cùng mới mở ra xem, và cô rất ngạc nhiên về những điều đọc được. Cô giáo chủ nhiệm lớp 1 đã nhận xét Teddy như sau: "Teddy là một đứa trẻ thông minh và luôn vui vẻ. Học giỏi và chăm ngoan... Em là nguồn vui cho người chung quanh". Cô giáo lớp 2 nhận xét: "Teddy là một học sinh xuất sắc, được bạn bè yêu quý nhưng có chút vấn đề vì mẹ em ốm nặng và cuộc sống gia đình thật sự là một cuộc chiến đấu". Giáo viên lớp 3 ghi: "Cái chết của người mẹ đã tác động mạnh đến Teddy. Em đã cố gắng học, nhưng cha em không mấy quan tâm đến con cái và đời sống gia đình sẽ ảnh hưởng đến em nếu em không được giúp đỡ".

Giáo viên chủ nhiệm lớp 5 nhận xét: "Teddy tỏ ra lãnh đạm và không tỏ ra thích thú trong học tập. Em không có nhiều bạn và thỉnh thoảng ngủ gục trong lớp".

girl.teacher.gifĐọc đến đây, cô Thompson chợt hiểu ra vấn đề và cảm thấy tự hổ thẹn. Cô còn thấy áy náy hơn khi đến lễ Giáng sinh, tất cả học sinh trong lớp đem tặng cô những món quà gói giấy màu và gắn nơ thật đẹp, ngoại trừ món quà của Teddy. Em đem tặng cô một gói quà bọc vụng về bằng loại giấy gói hàng nâu xỉn mà em tận dụng lại từ loại túi giấy gói hàng của tiệm tạp hóa. Cô Thompson cảm thấy đau lòng khi mở gói quà ấy ra trước mặt cả lớp. Một vài học sinh đã bật cười khi thấy cô giơ lên chiếc vòng giả kim cương cũ đã sút mất vài hột đá và một chai nước hoa chỉ còn lại một ít. Nhưng cô đã dập tắt những tiếng cười nhạo kia khi cô khen chiếc vòng đẹp, đeo nó vào tay và xịt một ít nước hoa trong chai lên cổ tay. Hôm đó Teddy đã nán lại cho đến cuối giờ để nói với cô: "Thưa cô, hôm nay cô thơm như mẹ em ngày xưa". Sau khi đứa bé ra về, cô Thompson đã ngồi khóc cả giờ đồng hồ. Và chính từ hôm đó, ngoài dạy học cô còn lưu tâm chăm sóc cho Teddy hơn trước. Mỗi khi cô đến bàn em để hướng dẫn thêm, tinh thần Teddy dường như phấn chấn hẳn lên. Cô càng động viên em càng tiến bộ nhanh. Vào cuối năm học, Teddy đã trở thành học sinh giỏi nhất lớp. Và trái với phát biểu của mình vào đầu năm học, cô đã không yêu thương mọi học sinh như nhau. Teddy là học trò cưng nhất của cô.

Một năm sau, cô tìm thấy một mẩu giấy nhét qua khe cửa. Teddy viết: "Cô là cô giáo tuyệt vời nhất trong đời em". Sáu năm sau, cô lại nhận được một bức thư ngắn từ Teddy. Cậu cho biết đã tốt nghiệp trung học, đứng hạng ba trong lớp và "Cô vẫn là người thầy tuyệt vời nhất trong đời em". Bốn năm sau, cô lại nhận được một lá thư nữa. Teddy cho biết dù hoàn cảnh rất khó khăn khiến cho cậu có lúc cảm thấy bế tắc, cậu vẫn quyết tốt nghiệp đại học với hạng xuất sắc nhất, nhưng "Cô vẫn luôn là cô giáo tuyệt vời mà em yêu quý nhất trong đời". Rồi bốn năm sau nữa cô nhận được bức thư trong đó Teddy báo tin cho biết cậu đã đậu tiến sĩ và quyết định học thêm lên. "Cô vẫn là người thầy tuyệt nhất của đời em", nhưng lúc này tên cậu đã dài hơn. Bức thư ký tên Theodore F. Stoddard - giáo sư tiến sĩ.

Câu chuyện vẫn chưa kết thúc tại đây. Một bức thư nữa được gửi đến nhà cô Thompson. Teddy kể cậu đã gặp một cô gái và cậu sẽ cưới cô ta. Cậu giải thích vì cha cậu đã mất cách đây vài năm nên cậu mong cô Thompson sẽ đến dự lễ cưới và ngồi ở vị trí vốn thường được dành cho mẹ chú rể. Và bạn thử đoán xem việc gì đã xảy ra? Ngày đó, cô đeo chiếc vòng kim cương giả bị rớt hột mà Teddy đã tặng cô năm xưa, xức thứ nước hoa mà Teddy nói mẹ cậu đã dùng vào kỳ Giáng sinh cuối cùng trước lúc bà mất. Họ ôm nhau mừng rỡ và giáo sư Stoddard thì thầm vào tai cô Thompson: "Cám ơn cô đã tin tưởng em. Cám ơn cô rất nhiều vì đã làm cho em cảm thấy mình quan trọng và cho em niềm tin rằng mình sẽ tiến bộ". Cô Thompson vừa khóc vừa nói nhỏ với cậu: "Teddy, em nói sai rồi. Chính em mới là người đã dạy cô rằng cô có thể sống khác đi. Cô chưa từng biết dạy học cho tới khi cô được gặp em".


Mẹ lạnh lắm phải không mẹ ?


Vào một đêm Giánh sinh, một thiếu phụ mang thai lần bước đến nhà một người bạn nhờ giúp đỡ. Con đường ngắn dẫn đến nhà người bạn có một mương sâu với cây cầu bắc ngang. Người thiếu phụ trẻ bỗng trượt chân chúi về phía trước, cơn đau đẻ quặn lên trong chị. Chị hiểu rằng mình không thể đi xa hơn được nữa. Chị bò người phía bên dưới cầu.
Đơn độc giữa những chân cầu, chị đã sinh ra một bé trai. Không có gì ngoài những chiếc áo bông dày đang mặc, chị lần lượt gỡ bỏ áo quần và quấn quanh mình đưa con bé xíu, vòng từng vòng giống như một cái kén. Thế rồi tìm thấy được một miếng bao tải, chị trùm vào người và kiệt sức bên cạnh con.
Sáng hôm sau, một người phụ nữ lái xe đến gần chiếc cầu, chiếc xe bỗng chết máy.Bước ra khỏi xe và băng qua cầu, bà mẹ nghe một tiếng khóc yếu ớt bên dưới. Bà chui xuống cầu để tìm.Nơi đó bà thấy một đứa bé nhỏ xíu, đói lả nhưng vẫn còn ấm, còn người mẹ đã chết cóng.
Bà đem đưa bé về và nuôi dưỡng. Khi lớn lên, cậu bé thường hay đòi mẹ nuôi kể lại câu chuyện đã tìm thấy mình. Vào một ngày lễ giáng sinh, đó là sinh nhật lần thứ 12,cậu bé nhờ mẹ nuôi đưa đến mộ người mẹ tội nghiệp. Khi đến nơi, cậu bé bảo mẹ nuôi đợi ở xa trong lúc cậu cầu nguyện. Cậu bé đứng cạnh ngôi mộ, cúi đầu và khóc. Thế rồi cậu bắt đầu cởi quần áo. Bà mẹ nuôi đứng nhìn sững sờ khi cậu bé lần lượt cởi bỏ tất cả và đặt lên mộ mẹ mình.
"Chắc là cậu sẽ không cởi bỏ tất cả - bà mẹ nuôi nghĩ - cậu sẽ lạnh cóng!" song cậu bé đã tháo bỏ tất cả và đứng run rẩy. Bà mẹ nuôi đi đến bên cạnh và bảo cậu bé mặc đồ trở lại. Bà nghe cậu bé gọi người mẹ mà cậu chưa bao giờ biết: " mẹ đã lạnh hơn con lúc này, phải không mẹ?" Và cậu bé oà khóc.

Chùm truyện ngắn cảm động

Chuyện 1 : Bữa tiệc đêm trong nhà vệ sinh ( Nguyên Tác: Chu Hải Lượng – TQ)

Chị là Oshin – người giúp việc nhà cho một ông chủ ngoại ngũ tuần, rất giàu có. Đêm xuống, xong việc, vội vàng về với đứa con trai nhỏ 5 tuổi suốt ngày ngóng đợi trong căn nhà tồi tàn..
Hôm ấy, chủ nhà có lễ lớn, mời rất nhiều bạn bè quan khách đến dự tiệc đêm. Ông chủ bảo : Hôm nay việc nhiều, chị có thể về muộn hơn không? Thưa được ạ, có điều đứa con trai nhỏ quá, ở nhà tối một mình lâu sẽ sợ hãi. Ông chủ ân cần: Vậy chị hãy mang cháu đến cùng nhé.

Chị mang theo con trai đến. Đi đường nói với nó rằng : Mẹ sẽ cho con đi dự tiệc đêm. Thằng bé rất háo hức. Nó đâu biết là mẹ làm Oshin là như thế nào kia chứ! Vả lại, chị cũng không muốn cho trí tuệ non nớt của nó phải sớm hiểu sự khác biệt giữa người giàu kẻ nghèo. Chị âm thầm mua 2 chiếc xúc xích.

Khách khứa đến mỗi lúc mỗi đông. Ai cũng lịch sự. Ngôi nhà rộng và tráng lệ… Nhiều người tham quan, đi lại, trò chuyện. Chị rất bận không thường xuyên để mắt được đến đứa con nhếch nhác của mình. Chị sợ hình ảnh nó làm hỏng buổi lễ của mọi người. Cuối cùng chị cũng tìm ra được cách : đưa nó vào ngồi trong phòng vệ sinh của chủ… đó có vẻ như là nơi yên tĩnh và không ai dùng tới trong buổi tiệc đêm nay. Đặt 2 miếng xúc xích vừa mua để vào chiếc đĩa sứ, chị cố lấy giọng vui vẻ nói với Con : Đây là phòng dành riêng cho con đấy, nào tiệc đêm bắt đầu! Chị dặn con cứ ngồi yên trong đó đợi chị đón về. Thằng bé nhìn “căn phòng dành cho nó” thật sạch sẽ thơm tho, đẹp đẽ quá mức mà chưa từng được biết. Nó thích thú vô cùng, ngồi xuống sàn, bắt đầu ăn xúc xích được đặt trên bàn đá có gương, và âm ư hát… tự mừng cho mình.

Tiệc đêm bắt đầu. Người chủ nhà nhớ đến con trai chị, gặp chị đang trong bếp hỏi. Chị trả lời ấp úng: Không biết nó đã chạy đi đằng nào… Ông chủ nhìn chị làm thuê như có vẻ giấu diếm khó nói. Ông lặng lẽ đi tìm… Qua phòng vệ sinh thấy tiếng trẻ con hát vọng ra, ông mở cửa, ngây người: Cháu nấp ở đây làm gì ? Cháu biết đây là chỗ nào không ? Thằng bé hồ hởi : Đây là phòng ông chủ nhà dành riêng cho cháu dự tiệc đêm, mẹ cháu bảo thế, nhưng cháu muốn có ai cùng với cháu ngồi đây cùng ăn cơ!

Ông chủ nhà thấy sống mũi mình cay xè, cố kìm nước mắt chảy ra, ông đã rõ tất cả, nhẹ nhàng ngồi xuống nói ấm áp: Con hãy đợi ta nhé. Rồi ông quay lại bàn tiệc nói với mọi người hãy tự nhiên vui vẻ, còn ông sẽ bận tiếp một người khác đặc biệt của buổi tối hôm nay. Ông để một chút thức ăn trên cái đĩa to, và mang xuống phòng vệ sinh. Ông gõ cửa phòng lịch sự… Thằng bé mở cửa… Ông bước vào: Nào chúng ta cùng ăn tiệc trong căn phòng tuyệt vời này nhé. Thằng bé vui sướng lắm. Hai người ngồi xuống sàn vừa ăn ngon lành vừa chuyện trò rả rích, lại còn cùng nhau nghêu ngao hát nữa chứ… Mọi người cũng đã biết. Liên tục có khách đến ân cần gõ cửa phòng vệ sinh, chào hỏi hai người rất lịch sự và chúc họ ngon miệng, thậm chí nhiều người cùng ngồi xuống sàn hát những bài hát vui của trẻ nhỏ… Tất cả đều thật chân thành, ấm áp!

Nhiều năm tháng qua đi… Cậu bé đã rất thành đạt, trở nên giàu có, vươn lên tầng lớp thượng lưu trong xã hội. Nhưng không bao giờ quên giúp đỡ những người nghèo khó chăm chỉ. Một điều quan trọng đã hình thành trong nhân cách của anh: Ông chủ nhà năm xưa đã vô cùng nhân ái và cẩn trọng bảo vệ tình cảm và sự tự tôn của một đứa bé 5 tuổi như thế nào…

Câu chuyện 2 : Con Vẹt Xanh (Nguyên tác: Thiệu Bảo Kiện – TQ)

Lưu Tư Kinh, là con trai duy nhất của bà mẹ quả phụ nghèo sống ở miền quê thưa người, xa lắc. Anh quyết chí lên thành phố mưu cầu tiến thân để sống tốt và giúp được mẹ già nơi quê nhà. Công việc và những lo toan chẳng bao giờ dứt… Lòng đầy nhớ thương, nhưng chẳng về mà thăm mẹ cho được, dù tháng nào anh cũng dành tiền gửi đều đặn về cho bà… Nhưng có lần trong thư mẹ anh gửi: Con trai ơi… đã quên mẹ rồi sao… Anh đọc thư mà nước mắt lã chã.

Rồi anh cũng đã tạm thu xếp mọi việc về quê thăm mẹ. Lòng tràn ngập hân hoan… Mẹ con lâu ngày gặp lại mừng mừng tủi tủi khôn xiết. Sờ nắn bờ vai con, người mẹ rưng rưng: Con ơi, mẹ nhớ con lắm…! Anh ôm lấy người mẹ dường như héo mòn đi qua năm tháng mà nhòa lệ: Mẹ ơi, con nhớ mẹ lắm…! Lần này con về mang cho mẹ Con Vẹt Xanh mua đắt tiền lắm, con đã nuôi dạy nó lâu… Khi con đi xa nó sẽ ở nhà bầu bạn với mẹ cho đỡ cô quạnh và mẹ cũng thấy con bên cạnh hàng ngày. Mẹ nghe chỉ bảo: Con tốn tiền đến vậy thật không thỏa đáng. Mẹ chỉ muốn thấy con hàng ngày… Anh bảo: Mẹ hãy kiên tâm, đến khi con tích lũy đủ tiền sẽ đón mẹ đi cùng.

Ở nhà được vài ngày, Lưu Tư Kinh chia tay mẹ lên đường trở lại thành phố, lại lao vào làm ăn, phấn đấu. Mẹ già ở nhà một bóng. Con Vẹt Xanh bên cạnh bà, thỉnh thoảng nó lại cất tiếng: Mẹ ơi, con Lưu Tư Kinh đây, con nhớ mẹ lắm… Mẹ ơi, mẹ vất vả quá, nghỉ tay một chút đi mẹ… Mẹ ơi mẹ khỏe mạnh nhé… Bà cảm thấy vui vẻ và ấm lòng hơn rất nhiều. Bà thương quý Con Vẹt Xanh vô cùng, tắm rửa, chăm sóc cho nó, trò chuyện hàng ngày như với con trai mình vậy.

Một năm, bà bị trọng bệnh, sau thời gian ngắn đã qua đời. Hàng xóm đã làm đám cho bà và tìm cách báo cho anh biết. Hẫng hụt, đau khổ, Lưu Tư Kinh dứt bỏ mọi công việc, ngay lập tức lên tàu xe trở về… Căn nhà trống không, vẫn còn mùi hương khói. Lọ tro của mẹ được đặt trên bàn hướng chính giữa. Anh nức nở thương xót mẹ và ân hận vô cùng đã không về chăm sóc và đưa được mẹ đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Mệt mỏi và suy sụp, anh ôm tấm ảnh mẹ vào lòng thiếp đi lúc nào không biết. Anh mơ thấy mẹ hiền đang ngôi khâu vá bên anh, mỉm cười, quạt cho anh ngủ, thoang thoảng bên tai anh tiếng nói: Con ơi, mẹ nhớ con lắm… Anh sung sướng muốn nhào vào ôm lấy mẹ! Choàng tỉnh, không có ai xung quanh cả, nhưng tiếng nói : Con ơi, con có khỏe không… Mẹ nhớ con lắm… vẫn từ như rất gần đây đấy vọng đến… Anh đi nhẹ gần đến ban công sát vườn. Tiếng nói phát ra từ đó. Dưới ánh nắng hoàng hôn cuối cùng chiếu qua kẽ lá. Anh nhận ra Con Vẹt Xanh đang đậu trên cành cây! Anh đỡ nó lên tay, nó lại hót : Con ơi, con khỏe không? Mẹ nhớ con lắm… Con Vẹt đã gầy và tả tơi đi quá nhiều. Lưu Tư Kinh ôm con Vẹt vào ngực mình nức nở: Mẹ ơi, con thương nhớ mẹ vô cùng…

Ôi! Mẹ anh trước khi qua đời đã mở lồng thả Vẹt Xanh ra. Nhưng nó đã sống bầu bạn bên cạnh bà bao ngày, dường như thấu được tình cảm của Bà mà không bay đi, vẫn ở lại căn nhà nghèo trống trải này như đợi Lưu Tư Kinh trở về mà nhắn nhủ lời yêu thương của Bà với anh ấy…

Câu chuyện 3 : Bát Mì cuối năm (Không rõ Nguyên Tác – Nhật Bản)

Người Nhật có phong tục đêm cuối năm, trước giờ Giao Thừa, thường cùng gia đình đến một quán mì ưa thích, mỗi người ăn một bát mì truyền thống để cùng nhau ôn cố tri tân.

21h đêm Giao Thừa, quán mì của ông bà Bắc Hải Đình đã hết khách, họ chuẩn bị đóng cửa, chuẩn bị cho lễ Tất Niên của nhà mình… Tiếng chuông gió trước của vang lên, ông ra mở cửa: Một người phụ nữ trung niên với hai cậu bé khoảng 10 và 7 tuổi, trông họ thật lam lũ, ngập ngừng xin phép bước vào. Sau khi xếp cho họ ngồi trước bàn, ông chủ quán chờ đợi. Người phụ nữ bối rối: Ông bà có thể cho ba mẹ con chúng tôi một bát mì được không? Hơi ngạc nhiên, nhưng ông nói vâng, và quay vào dặn bà làm một bát to hơn bình thường đưa lên cho họ. Ba mẹ con cùng chụm đầu vào ăn, xuýt xoa ngon lành. Đứa bé đang ăn ngẩng đầu nhìn mẹ hỏi: Mẹ ơi, liệu năm sau nhà ta có được ăn như thế này nữa không? Người mẹ nhẹ nhàng nói: chúng ta sẽ cùng cố gắng để được như thế nhé! Ăn xong họ lễ phép cảm ơn ra về. Ông bà chủ quán nhìn theo ái ngại...

Một năm qua đi rất nhanh... Lại đến sau 21h Giao Thừa sang năm, ông bà chủ quán dường đã quên, thì lại như năm trước Ba mẹ con líu ríu bước vào như để trốn cái lạnh cắt da bên ngoài. Trông họ tiều tụy hơn, và người mẹ lại xin được phục vụ một bát mì. Ông chủ quán vồn vã, rồi bước vào trong dặn bà làm ba bát mì. Bà phúc hậu nói: Ông ạ, hãy làm một bát như ý họ. Nhưng bà làm để đủ no và ấm lòng cho ba người. Họ ngồi vào chiếc bàn bình dị năm ngoái, ăn rất ngon, vui vẻ dặn dò nhau những việc phải nỗ lực hơn trong năm mới. Xong, người mẹ đứng lên cảm ơn, muốn trả thêm tiền cho bát mì đó, nhưng ông bà ân cần từ chối: Được ba mẹ con đến đây, và nếu quán chúng tôi như là nơi ba mẹ con có thể hưng phấn hơn cho những điều các vị cần cố gắng thì đã là điều thật quý hóa rồi...

Lại thêm một năm nữa. Ông Bà đã đặt lên tấm biển con giữ chỗ trên chiếc bàn đó trong quán, dành cho họ. Nhưng mãi sau 21h không thấy họ quay trở lại... Ông bà có cảm giác buồn trống vắng, khẽ bảo nhau đóng cửa hàng để chuẩn bị Tất Niên... Cứ như thế trong nhiều năm sau đã thành thông lệ, mọi khách hàng cũng biết chuyện mà cảm động, không ai ngồi vào chiếc bàn đó vào đêm Giao Thừa cả và ai cũng có ý vừa nhâm nhi bát mì vừa mong đợi Ba Mẹ Con trở lại…

Rồi lại một cái Tết nữa... Đã quá 21h ông bà chủ quán định nói lời cảm ơn cuối năm với mọi người đang còn trong quán thì tiếng chuông vang lên… Ông ra mở, mọi người nhìn ra theo. Ba người : một phụ nữ lịch lãm và 2 cậu thanh niên tuấn tú khỏe mạnh bước vào. Dường như quen thuộc, họ tiến đến chiếc bàn kia. Ông chủ khiêm nhường nhắc: Thưa, chỗ này đã được dành cho người khác ạ... Họ xin được ngồi ngay bàn sát bên. Ông chủ lễ độ chờ họ gọi. Người phụ nữ ngẩng lên: Xin cho ba chúng tôi Một Bát Mì… Trời ơi… Mọi người đều quay hết về phía họ: Phải chăng các vị là Ba Mẹ Con ngày xưa? Chúng tôi đã mong chờ các vị bấy lâu...

Dạ vâng, là chúng tôi ạ. Chồng và cha chúng tôi bị tai nạn qua đời đã lâu, để lại món nợ rất lớn, chúng tôi đã vô cùng khó khăn nên đã nhiều năm không còn khả năng được ăn mì Tất Niên nữa. Bây giờ mọi điều đã rất tốt đẹp, nên trở lại đây muốn được ăn bát mì như năm xưa, được hưởng tấm lòng của ông bà mà nhờ đó chúng tôi đã thêm được sự ấm lòng để cố gắng vượt qua… Tất cả tràn đầy xúc động đứng lên bước lại quây quần và cung kính cảm tạ lẫn nhau.

Mối tình 60 năm



Một ngày đông buốt giá, trên đường về nhà, chân tôi vấp phải một chiếc ví ai đó đánh rơi bên đường. Tôi nhặt lên, mở ví ra coi có giấy tờ tuy thân gì khả dĩ giúp tôi trả lại khổ chủ. Bên trong chỉ vỏn vẹn có ba đô la và một bức thư nhàu nhĩ như thể đã nằm trong đó nhiêu năm nay rồi. Bì thư cũng sờn cũ đến nỗi thứ duy nhất còn đọc lại được là địa chỉ trả lại người gửi.
Với hy vọng tìm thêm manh mối gì chăng, tôi mở lá thư ra. 1924! Con số đập ngay vào mắt tôi – thì ra lá thư này đã được viết từ gần sáu mươi năm trước!
Nét chữ con gái nắn nót trên nền giấy màu xanh lơ điểm một bông nhỏ ở góc trái. Đó là một lá thư tình mà người nhận có tên là Michael và người gửi ký tên là Hannah. Nàng bảo rằng không còn được gặp lại chàng nữa vì bị mẹ ngăn cấm, dù vậy nàng vẫn mãi mãi yêu chàng tha thiết. Quả là một lá thư đẹp nhưng tuyệt nhiên chẳng có chi để tìm ra chủ nhân của nó ngoại trừ cái tên người nhận là Michael.

Có lẽ tôi nên gọi cho tổng đài may ra sẽ được cung cấp số điên thoại căn cứ vào địa chỉ trên bì thư. Nghĩ sao làm ngay, tôi bắt đầu gọi:

- Alô. Thưa chị, tôi biết đây là một yêu cầu hơi kì quặc nhưng tôi đang cố tìm chủ nhân của chiếc ví tôi nhặt được. Chị vui lòng tìm giúp số điện thoại của địa chỉ ghi trên bì thư này được không ạ?

Cô điện thoại viên chuyển máy cho tôi nói chuyện với cấp trên của cô. Vài giây sau bà này thông báo:
- Ở đây có số điện thoại ứng với địa chỉ đó nhưng chúng tôi không thể cung cấp cho anh được.
Đoạn bà nhã nhặn bảo tôi đợi bà gọi hỏi xem đầu dây bên kia có muốn liên lạc với tôi hay không. Tôi chờ vài phút thì giọng bà sếp trở lại đường dây.
– Có người muốn nói chuyện với anh đấy.
Tôi hỏi người phụ nữ biết ai tên Hannah không.
Bà ta thở gấp:
- Ôi! Chúng tôi mua căn nhà này từ một gia đình có cô con gái tên là Hannah. Nhưng mà cách đây ba mươi năm rồi!
- Bà có biết gia đình đó hiện đang sống ở đâu không?

- Tôi nhớ vài năm trước Hannah phải đưa mẹ vô dưỡng đường. Anh thử liên hệ với họ coi không chừng họ sẽ giúp anh tìm ra cô ấy.
Tôi gọi liền tới dưỡng đường bà cung cấp tên và hay rằng bà mẹ đã mất cách đây vài năm rồi nhưng họ vẫn có thể giữ số điện thoại nơi cô con gái có thể đang sinh sống. Tôi cảm ơn rồi gọi tiếp số điện thoại vừa xin được. Thật bất ngờ, một giọng đàn ông xác nhận qua điện thoại: “Vâng, Hannah hiện đang sống ở chỗ chúng tôi”.

Tôi tự nhủ mình thật ngớ ngẩn. Tại sao lại tự đày đoạ tấm thân đi tìm chủ nhân chiếc ví có ba đo la và một lá thư sáu mươi năm tuổi? Dù lúc đó đã 10 giờ đêm nhưng tôi vẫn hỏi xem tôi có thể ghé thăm bà Hannah được không.

Người đàn ông do dự:

- Nếu anh muốn tới thì có lẽ bà ấy đang xem ti vi ở phòng sinh hoạt.

Tôi cảm ơn rồi lái xe tới nhà dưỡng lão, người gác cổng đón tôi ở cửa. Chúng tôi lên lầu ba của một toà nhà lớn. Trong căn phòng tập thể, cô y tá giới thiệu tôi với Hannah một bà lão dịu dàng, tóc bạc với nụ cười nồng hậu và ánh mắt lóng lánh. Tôi thuật lại việc nhặt được chiếc ví và đưa bà xem thư. Vừa trông thấy phong bì xanh lơ in bông hoa nhỏ ở góc trái bà thở dài nói:
- Chàng trai à, lá thư này chính là lần liên lạc cuối cùng giữa ta với Michael.
Trong giây lát bà nhìn mông lung sang chỗ khác, chìm đắm trong suy nghĩ và nói chậm rãi: - Ta yêu anh ấy lắm. Lúc đó ta mới 16 tuổi và mẹ ta nghĩ ta còn trẻ con quá để yêu đương. Ồ, anh ấy đẹp trai phải biết, y như tài tử Sean Connery vậy á! Michael Goldstein là một chàng trai tuyệt vời- bà tiếp- Nếu con có gặp anh ấy, cứ bảo ta luôn nghĩ đến anh ấy. À... bà ngập ngừng một chút, hơi cắn nhẹ môi- hãy bảo là ta vẫn yêu anh ấy- bà mỉm cười ứa nước mắt- Con biết không, ta chưa bao giờ lấy chồng cả. Ta nghĩ không ai có thể sánh bằng Michael...

Tôi tạm biệt bà Hannah rồi đi vào thang máy xuống lầu một. Khi đứng ở cổng, người bảo vệ hỏi tôi: - Bà ấy giúp gì được anh không?
- Ít ra bà ấy giúp tôi biết được họ của Michael. Nhưng có lẽ tôi phải gác chuyện này một thời gian. Tôi đã mất gần cả ngày trời tìm kiếm chủ nhân của chiếc ví này rồi- vừa nói tôi vừa móc chiếc ví da màu nâu, kiểu trông đơn giản, bên trong có sợi dây đỏ cho ông ta xem.
Bỗng người bảo vệ la lên:
- Này, chờ một chút! Đó là ví của ông Goldstein đó. Tôi nhận ra nó ở bất cứ nơi đâu nhờ sợi dây viền đỏ này. Ông ấy hay đánh rơi nó lắm. Ít nhất ba lần rồi tôi đã nhặt được nó tại đại sảnh rồi.
- Ông Goldstein là ai? – Tôi hấp tấp hỏi lại, tay chợt run run.
- Ông ấy là một trong những dân kì cựu sống ở tầng tám.
Tôi đảm bảo đó là ví của ông Mike Goldstein mà. Chắc chắn ông ấy lại đánh rơi trong khi đi dạo.
Tôi cảm ơn ông bảo vệ và chạy vội trở lại văn phòng nhà dưỡng lão, sau đó tôi và cô thư kí trở lại thang máy lên tầng tám. Tôi khấn thầm ông Goldstein có ở trên đó. Đến tầng tám, y tá trực tầng cho hay:
- Tôi nghĩ ông ấy vẫn còn trong phòng sinh hoạt.
Ông ấy thích đọc sách vào buổi tối. Một ông lão dễ mến.
Chúng tôi đi vào căn phòng duy nhất còn sáng đèn. Một ông già đang mải miết đọc. Cô y tá đến bên ông và hỏi ông có mất ví không.
Ông Goldstein ngẩng lên và ngạc nhiên, đút tay vào túi rồi thảng thốt kêu lên:

- Thôi chết, đâu mất rồi!
- Cậu trai tốt bụng đây nhặt được một chiếc ví và chúng tôi nghĩ chắc là của ông.
Tôi trao chiếc ví cho ông Goldstein và ngay lập tức cười rạng rỡ:
- Vâng, đúng rồi! Chắc là tôi đã đánh rơi nó hồi trưa. Tôi muốn hậu tạ anh.
- Không cần đâu ạ- Tôi xua tay- nhưng cháu phải kể cho ông nghe chuyện này. Cháu đã đọc lá thư trong ví với hy vọng tìm ra chủ nhân của nó.
- Anh đọc thư à? - Nụ cười vụt tắt trên gương mặt ông lão.
- Cháu không chỉ đọc mà còn biết bà Hannah hiện giờ ở đâu.
- Hannah?- Mặt ông lão bỗng nhiên tái xanh- Cô ấy ở đâu? Cô ấy có khoẻ không? Có còn xinh đẹp như trước kia chứ? Này, làm ơn kể cho tôi nghe đi- Ông khẩn khoản.

- Bà ấy khoẻ... vẫn đẹp... như khi ông biết bà- Tôi nhẹ nhàng đáp.
-
Ông lão cười, lòng tràn đầy hy vọng rồi níu lấy tay tôi giật giật, hỏi dồn:

- Anh làm ơn cho tôi biết cô ấy hiện có sống ở đây không? Tôi sẽ gọi cho cô ấy ngay sáng mai. Tôi yêu cô ấy đến nỗi khi nhận được lá thư tôi thấy cuộc đời mình chẳng còn thiết đến điều gì nữa. Tôi chẳng bao giờ lập gia đình cả. Tôi nghĩ mình sẽ luôn yêu cô ấy mãi mãi.

- Này ông Michael, ông hãy theo cháu.

Chúng tôi theo thang máy xuống tầng ba. Hành lang tối om chỉ còn vài ngọn đèn soi đường cho chúng tôi đến phòng sinh hoạt nơi Hannah vẫn đang ngồi một mình coi tivi. Cô y tá bước lại chỗ bà, chỉ tay về phía ông Michael đang đứng cùng tôi chờ ở cửa và cất giọng nhẹ nhàng:
- Thưa bà Hannah, bà có biết ông lão này không? Bà lão chỉnh lai cặp kính, nhìn một hồi nhưng chẳng nói lời nào. - Hannah, anh là Michael đây. Em còn nhớ anh không?- Ông Michael nói nhỏ, gần như là thì thào. - Ôi Michael!- Bà lão reo lên kinh ngạc- Em không thể tin nổi! Michael! Michael! Đúng là anh rồi. Ôi Michael của em! Ông lão chầm chậm bước về phía bà lão và họ ôm hôn nhau. Cô y tá và tôi rời khỏi phòng, nước mắt tuôn rơi.
- Đấy, đấy-
Tôi lầm thầm
- Hãy coi thượng đế sắp đặt kìa! Cái gì tới sẽ tới! Chị thấy không. Nếu có lòng với nhau ắt sẽ được.
Khoảng ba tuần sau tôi nhận được điên thoại từ dưỡng đường gọi đến văn phòng tôi:
- Anh bớt chút thời gian đến dự đám cưới vào chủ nhật này được không? Ông Michael và bà Hannah se lấy nhau đấy! Một đám cưới thật là ấm cúng, có mặt đầy đủ mọi người trong nhã dưỡng lão. Cô dâu Hannah mặc một chiếc váy màu be nhạt đẹp lộng lẫy; còn chú rể Michael mặc bộ com-plê màu xanh đen, dáng cao ráo. Họ đón tiếp tôi như một vị anh hùng và bắt tôi làm phù rể. Dưỡng đường tặng cho họ một căn phòng riêng. Nếu từng bao giờ bạn thấy một cô dâu 76 tuổi và chú rể 79 tuổi cư xử với nhau như hai đứa trẻ mới lớn thì đúng là họ rồi. Một đoạn kết hoàn hảo cho một mối tình trải dài gần sáu mươi năm.

Thứ Hai, 14 tháng 12, 2009

Câu chuyện của hoa hồng và cái gai



Một ngày đẹp trời, hoa hồng tình cờ nhìn thấy cái gai ngồi khóc bên cửa sổ. Hoa hồng rất ngạc nhiên, liền hỏi nó: Tại sao bạn lại ngồi khóc?

- Hoa hồng, tại sao không công bằng thế, chúng ta đều sinh ra trên một cành hoa, nhưng bạn là hoa hồng được nâng niu, còn tôi chỉ là một cái gai bị chối bỏ?

- Có chuyện gì xảy ra với bạn vậy?

- Bạn không biết ư, cô cậu chủ đang định cắt bỏ tôi ra khỏi cây hoa hồng tình yêu của họ đấy?! Vì họ cho rằng tôi chính là nguyên nhân gây ra những trận cãi vã, vì tôi là cái gai khiến tay họ bị chảy máu!

- Họ đã tự đâm vào gai cơ mà!

- Họ cũng biết hoa hồng là phải có gai, nếu vậy, khi cầm bàn tay họ phải nương nhẹ hơn, phải tránh chỗ tôi nằm, chứ không thể vì bị gai đâm mà đòi bỏ tôi, đúng không? Tại sao hoa hồng đã đẹp rồi, còn sinh ra những chiếc gai làm gì vậy, không có tôi có phải hơn không?

- Bạn cũng đã trách oan cho hoa hồng rồi. Vì nếu như không có gai nhọn, tôi đâu còn được gọi là hoa hồng, tôi sẽ như bông cúc mong manh kia, như bông thược dược yếu ớt kia mà chẳng có sức sống và vẻ đẹp được. Những chiếc gai làm cho hoa hồng trở nên sắc sảo, không sợ bị bắt nạt, nó như vũ khí đặc biệt mà Thượng Đế đã dành riêng cho hoa hồng mà! Tôi sẽ không để họ bỏ bạn ra khỏi cây hoa hồng đâu?!

Này, có phải bạn có đang muốn cắt bỏ những cái gai nhỏ trên cây hoa hồng tình yêu của mình?

Bạn đang cho rằng, có những khuyếm khuyết đang làm cho mình bị đau, đó có thể là những điều bạn chưa hài lòng ở người ấy, những điều người ấy chưa có, chưa thể có được; và bạn thì không thể chấp nhận được điều đó nên phải… ra tay.

Khi những chiếc gai rơi đi, có phải cây hoa hồng sẽ trơ trụi lắm không?

Cũng như vậy, tình yêu của bạn sẽ mất đi sự tươi mới, tràn đầy háo hức của hai nửa trái tim lần đầu tìm đến với nhau. Nó sẽ chỉ còn lại sự gượng ép, công thức và nhàn nhạt.

Như một cành hoa hồng trơ trụi không còn lấy một cái gai.

Đừng nghĩ gai hoa hồng chỉ biết làm tay ta chảy máu, cũng như nghĩ những khuyết điểm của người ấy sẽ làm giảm đi “giá trị tình yêu” của bạn. Khi hai người đến với nhau, nghĩa là đang trên bước đường hoàn thiện bản thân và hướng đến một mẫu ghép hoàn hảo. Có thể của bạn đang thiếu một chút nồng nhiệt, người ấy sẽ bù đắp; có thể người ấy chưa có sự chín chắn, bạn sẽ là người tiếp thêm niềm tin. Có tranh đấu, có gai nhọn và có cả… bàn tay rướm máu, cây hoa hồng tình yêu của bạn mới tươi tốt mãi mãi…

Vì thế, hãy nương nhẹ bàn tay khi chạm vào gai của hoa hồng, cũng như hãy nâng niu tình yêu của bạn với chính người ấy nhé!.

Bốn ngọn nến



Trong 1 căn phòng thinh lặng có 4 ngọn nến đang cháy...

Ngọn nến thứ nhất nói :

+Tôi là biểu tượng của hòa bình! thế giới này rất cần tôi

Ngọn nến thứ 2 nói:

+Tôi là biểu tượng của lòng trung thành! hơn tất cả mọi người đều cần đến tôi.

Ngọn nến thứ 3 lên tiếng:

+Tôi là biểu tượng của tình yêu! hãy tưởng tượng xem thế giới này sẽ ra sao nếu ko có tình yêu,thế giới thật sự rất cần đến tôi.

Đột nhiên cánh cửa căn phòng mở tung 1 làn gió lùa vào thổi tắt cả 3 ngọn nến,cậu bé chạy vào ngạc nhiên hỏi:

+Tại sao 3 ngọn nến lại tắt?

Cậu bé òa lên khóc,lúc này ngọn nến thứ 4 mới lên tiếng:

+Đừng khóc cậu bé,khi nào tôi còn cháy sáng thì cậu vẫn còn có thể thắp sáng cả 3 ngọn nến kia lại bởi vì tôi chính là: HIỆN THÂN CỦA HY VỌNG

Chúng ta có thể mất: hòa bình, lòng trung thành thậm chí cả tình yêu, nhưng chỉ cần còn giữ lại được niềm hy vọng thì ta vẫn có thể lấy lại được tất cả những thứ đã mất.

Đừng bao giờ từ bỏ hy vọng...

Lúc này cậu bé ko khóc nữa và cầm ngọn nến thứ 4 lần lượt thắp sáng cả 3 ngọn nến còn lại...

Đừng bao giờ từ bỏ hy vọng bạn nhé!!!